© vinhphuc.orgfree.com  Email: vinphuc@gmail.com

  Bài đã đăng

*Sinh hoạt âm nhạc trong đám cưới người Tà Ôi

*Các bài nghiên cứu

*Cảm nghĩ qua bài hát Tiếng đàn Ta Lư

*Giáo trình giảng dạy âm nhạc

*Nghiên cứu khoa học

*Sách nghiên cứu đã xuất bản

*Nhạc cụ họ Hơi của người Cơ Tu, Tà Ôi

*Sự kế thừa và phát triển của Nhã nhạc...

*Nhạc cụ trong nhã nhạc

*Ca Huế-qua báo chí hậu bán TK XX

*Giao nhạc,âm nhạc trong tế Nam giao

*Hát Ả Đào qua báo chí nửa sau TK XX

*Quan Họ qua báo chí nửa sau TK XX

*Một số vấn đề về phương pháp nghiên cứu, phê bình...

TỪ ĐIỂN 

THUẬT NGỮ ÂM NHẠC

    - Anh Việt A - H

   - Anh Việt I - O
    - Anh Việt P - Z
   + Tiếng Việt A - H
   + Tiếng Việt K - X

Tháng Bảy 10, 2020

Số lượt truy cập

Web Counter

 

SÁCH NGHIÊN CỨU

DÂN CA DÂN NHẠC DÂN VŨ

CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ THỪA THIÊN HUẾ

Đồng tác giả: Nguyễn Đình Sáng, Nguyễn Hữu Thông, Vĩnh Phúc, Cao Chí Hải. NXB Thuận Hóa 2010

 

 

Chịu trách nhiệm nội dung: TS. ĐỖ NAM, Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế

- Lời giới thiệu

Chủ biên: Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐÌNH SÁNG, nguyên P. Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế.

- Mở đầu

- Kết luận

Các thành viên nghiên cứu chính:

ThS. Nguyễn Hữu Thông - Giám đốc Phân viện Văn hóa Nghệ thuât miền Trung, Viện Văn hóa Nghệ thuật - Bộ VHTT&DL.

© Chương I - Tổng quan về các dân tộc thiểu số ở tỉnh Thừa Thiên Huế và những đặc trưng văn hóa tộc người.

ThS. Vĩnh Phúc (Bùi Ngọc Phúc) - Viện trưởng viện Nghiên cứu âm nhạc - Học viện âm nhạc Huế - Bộ VHTT&DL.

© Chương II - Dân ca

© Chương III - Dân nhạc

- Phụ lục 1: Dân ca và nhạc cụ của người Bru - Vân Kiều

- Phụ lục 2: Khảo sát lễ Cầu mùa (azakoonh) của người Ta Ôi

- Phụ lục 4: Các bản ký âm về dân ca, dân nhạc

Biên đạo múa Cao Chí Hải - P. Giám đốc Sở VHTT&DL Thừa Thiên Huế.

© Chương IV - Dân vũ

Nhà Xuất Bản Thuận Hóa - 2010

Số trang: 176 không kể bìa

*************************************************

ĐỌC SÁCH “DÂN CA, DÂN NHẠC, DÂN VŨ

CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ”

Nguồn: http://skhcn.hue.gov.vn

Ngày cập nhật: 05/10/2010

KHÁNH PHONG

Như vậy là sau gần 7 năm, công trình sưu tầm và nghiên cứu dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế được ra mắt bạn đọc. Công trình này là sản phẩm từ đề tài: ““Sưu tầm dân ca - dân nhạc - dân vũ các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế” (Đề cương nghiên cứu khoa học cấp tỉnh năm 2003 - 2004) do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý. Đơn vị thực hiện là Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, do Hiệu trưởng-Nhạc sĩ Nguyễn Đình Sáng làm chủ nhiệm đề tài.

Nhóm thực hiện đề tài được lựa chọn chính là những nhà nghiên cứu dân tộc học, văn hóa, nhạc sĩ, nghệ sĩ hiện đang công tác tại các cơ quan chuyên môn về văn hóa ở Huế cho nên nhìn vào công trình này, người đọc sẽ thấy một sự bề thế của nó về nội dung lẫn hình thức.

Như chúng ta đã biết, vùng núi  tỉnh Thừa Thiên Huế được phân bố trên địa bàn của 2 huyện Nam Đông và A Lưới và một phần của các huyện Hương Trà, Phong Điền và Phú Lộc, với 45 xã và thị trấn có diện tích tự nhiên khoảng 277.600ha, chiếm 56% diện tích toàn tỉnh. Ở đây người Kinh chiếm khoảng 40% dân số trong vùng, còn lại là địa vực cư trú của các tộc người thiểu số như Tà Ôi (nhóm địa phương Pa Cô và Pa Hy), Cơ Tu và Bru-Vân Kiều với khoảng 4,6 vạn người tính đến thời điểm tháng 01/2010.

Các dân tộc anh em sinh sống ở đây với tinh thần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau trong mọi mặt của đời sống, trong đó bộ phận người Cơ Tu sống tập trung ở huyện Nam Đông, hai xã Hương Nguyên, Hương Lâm và rải rác ở các xã Hồng Hạ, Hồng Thượng của huyện A Lưới. Người Tà Ôi sống tập trung tại huyện A Lưới, xã Hồng Tiến (huyện Hương Trà) và xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền), người Bru-Vân Kiều cư trú tập trung chủ yếu ở xã Xuân Lộc (huyện Phú Lộc). Chính họ đã góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa vốn có từ lâu đời ở nơi đây.

Sống trong môi trường thiên nhiên phóng khoáng của đại ngàn Trường Sơn, các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế đã biết tìm cách thích ứng để tạo cho mình một bản sắc văn hóa với những tính cách riêng biệt, trong đó những hình thức sinh hoạt ca múa nhạc là nét sinh hoạt tinh thần không thể thiếu trong nếp văn hóa của họ. Nếu như ngày trước, hình thức diễn xướng ca múa nhạc chỉ phục vụ cho các lễ hội truyền thống như lễ Aza Koonh (lễ cầu mùa), lễ cưới, lễ Ariêu Tưk do Kooh (lễ cúng thần sông núi)...thì ngày nay, các hình thức diễn xướng này đang được xã hội hóa và phát triển lớn mạnh góp phần bảo lưu những vốn cổ ở nơi đây.

Khi đọc sách, người đọc sẽ thấy rõ những tâm sự của nhóm làm sách và chúng ta sẽ dễ dàng nhận diện được bức tranh tộc người ở miền núi Thừa Thiên Huế, nói là các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng nhóm thực hiện đã dẫn liệu từ hai dân tộc chính là Tà Ôi và Cơ Tu mà thôi: “Công trình này chỉ giới hạn phạm vi nghiên cứu là dân ca, dân nhạc, dân vũ của hai dân tộc thiểu số Tà Ôi và Cơ Tu ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Bởi hai lí do: Thứ nhất: hai dân tộc này chiếm 98% tổng dân số các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Thứ hai: hầu hết các tộc người thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đều cùng một nhóm ngôn ngữ, lại đang sống cận kề nhau, xen kẽ nhau, do đó, dân ca, dân nhạc, dân vũ của họ có rất nhiều điểm tương đồng, đến mức không thể phân định bài hát, bản nhạc hay nhạc cụ nào là của dân tộc này hay của dân tộc kia. Lấy dân ca, dân nhạc, dân vũ của 2 tộc người chiếm đa số của tỉnh làm đại diện, trong trường hợp này là hợp lý”.

Trong phần mở đầu, với sự thống kê của nhóm tác giả cho chúng ta thấy được một sự làm việc cật lực, cần mẫn trong các khâu, đoạn khi thực hiện đề tài. Nhóm thực hiện đã tham khảo gần 70 mục tài liệu về văn hóa dân gian, văn học, dân tộc học, nghệ thuật, xã hội học, địa lý học, đồng thời tham gia ghi âm, ghi hình, phác họa những lời ca, điệu múa, trình tấu nhạc… Không chỉ dừng lại ở đó, công trình được hoàn thành cũng nhờ một lực lượng cộng sự đông đảo từ Đội Thông tin lưu động 2 huyện Nam Đông và A Lưới cũng như Đội văn nghệ dân gian các làng, bản, xã ở hai huyện nói trên. Những đóng góp của các nghệ nhân dân gian này cũng được nhóm thực hiện đề tài trân trọng bằng cách minh họa những hình ảnh thể hiện động tác múa và bên dưới có chú thích tên của từng người. Theo chúng tôi thấy đó là một mặt mạnh của cuốn sách.

Đi sâu vào nội dung, người đọc sẽ thấy được những lớp lang của hệ thống trình bày từ việc nêu:

- “Tổng quan về các dân tộc thiểu số ở tỉnh Thừa Thiên Huế và những đặc trưng văn hóa tộc người” phần này cho người đọc biết được nét đặc trưng trong môi trường cư trú, vấn đề thành phần tộc người, những đặc trưng văn hóa tộc người.

- Tiếp theo đó là từng chương giới thiệu từng mảng:

+ Dân ca với nội dung giới thiệu nét “Sinh hoạt âm nhạc trong đời sống của người Tà Ôi, Cơ Tu”, “Các làn điệu dân ca”, cuốn sách đã giới thiệu 8 làn điệu dân ca của 2 dân tộc, đồng thời có phiên âm tiếng nhóm Pa Cô như: Calơi, Ântói, Chachấp, Xiêng, Babói, Amiêng, Hát ru, Ra rọi, Nha nhim. Trong 8 làn điệu này có đến trên 10 bài dân ca minh họa bởi song ngữ Tà Ôi/Cơ Tu - Việt, và ký âm đây là một nét mới và hay mà trước đây chưa có công trình nào làm được khi nghiên cứu đề tài này.

+ Phần Dân nhạc ngay từ đầu chương, các tác giả đã đi thẳng vào việc phân loại các nhạc cụ với số lượng 20 nhạc cụ được chế tác từ nguồn nguyên liệu địa phương, nhạc cụ của người Tà Ôi, Cơ Tu có đầy đủ các họ tự thân vang, màng rung, hơi và dây. Sau khi phân loại 20 loại nhạc cụ theo từng họ, chi thì các tác giả nêu Một số đặc điểm dân ca, dân nhạc các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong phần này, các tác giả cho chúng ta thấy được tính ứng tác, tính chất hát - nói, quãng âm đặc trưng của dân ca.

Còn đặc điểm về dân nhạc thì các tác giả đã nêu ra được nét đặc trưng của các loại nhạc cụ của người Tà Ôi, Cơ Tu là có nhạc cụ ít dây như âmplưng, âmpreeng, ântoong. Hoặc đặc trưng nữa của dân nhạc là ngẫu hứng tự do khi trình tấu như các nhạc cụ târlè, târcòi và cuối cùng là các tác giả đã nghiên cứu thang âm trong âm nhạc dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu và cho biết: “Thang âm của các tộc người này không cùng họ với thang âm bình quân trong âm nhạc cổ điển châu Âu”.

Để người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề phát triển dân nhạc của 2 tộc người này, các tác giả còn nghiên cứu và đưa ra những ý kiến mới mẻ về Vấn đề giao thoa, thâm nhập lẫn nhau giữa âm nhạc của người Tà Ôi, Cơ Tu với âm nhạc của các dân tộc khác, ở đây là sự đối sánh giữa âm nhạc của người Tà Ôi, Cơ Tu với người Bru-Vân Kiều, giữa người Cơ Tu Thừa Thiên Huế với người Cơ Tu ở các huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang và Phước Sơn tỉnh Quảng Nam, giữa những bài dân ca mới của người Cơ Tu được hát theo điệu vè Quảng Nam, giữa ảnh hưởng âm nhạc mới của người Việt, giữa người Tà Ôi, Cơ Tu Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn (biên giới Lào-Việt) vùng Pa Xiềng và A Xang của nước bạn Lào.

+ Đến với chương Dân vũ, cuốn sách như thu hút người đọc bởi những động tác uyển chuyển của những người nghệ sĩ Tà Ôi, Cơ Tu nơi đây. Các tác giả đã khiêm tốn trình bày ý tưởng khi làm sách “Trong công trình này, chúng tôi chưa dám nói là đã ghi hết được các động tác múa trong kho tàng dân vũ của các dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, nhưng cũng cố gắng sắp xếp theo trình tự các điệu múa ghi nhận được theo hệ thống động tác đơn của các thể loại, và bước đầu tiến hành phân loại, sắp xếp thành hệ thống khoa học làm cơ sở cho việc phục hồi và phát triển”. Khi nghiên cứu về dân vũ, các tác giả cũng đã khái quát cho người đọc biết được nguyên nhân vì đâu hình thành Môi trường nảy sinh nghệ thuật múa của người Tà Ôi, Cơ Tu. Có các nguyên nhân sau:

* Phong tục: tục cưới, tục tang.

* Tín ngưỡng: lễ hội a riêu ping, lễ hội a riêu âr pukh, lễ hội a riêu aza, a riêu pa chin đung, a riêu alê aâr mai acay.

* Văn hóa dân gian: văn học dân gian, diễn xướng âm nhạc dân gian, múa hát dân gian…

Theo chúng tôi đã từng nghiên cứu về dân vũ thì đối với người Tà Ôi, Cơ Tu sự hòa hợp giữa các làn điệu dân ca và sự hợp âm của các loại nhạc cụ đã tạo nên một nền âm thanh vui nhộn khiến cho con người bản địa càng trở nên thích tính năng động(1). Hoặc “Thuở xưa, khi đi săn về, người ta nhảy múa quanh đống lửa, bên cột nhà gươl/rông mừng thành quả lao động. Ngày nay họ múa trong ngày hội đâm trâu, trong buổi lễ tạ ơn Mẹ lúa sau một mùa bội thu, múa trong đám cưới, trong lúc cùng tụ hội vui chơi” (2). Cho nên trong công trình này, các tác giả đã nêu lên được những giá trị đích thực về Nghệ thuật múa của người Tà Ôi, Cơ Tu bằng cách dựa trên các tiêu chí và phân loại múa.

 Theo tiêu chí thì nghệ thuật múa của họ được chia làm 3 loại: múa trong lao động, múa trong sinh hoạt và múa trong tín ngưỡng. Tiếp theo đó là sự mô tả cũng như giải thích các động tác múa cơ bản của nam lẫn nữ. Người xác lập các động tác múa trong sách này đã minh họa cho người đọc thấy được 86 hình vẽ 1 nét rất sinh động với sự dịch chuyển từng động tác, cử chỉ có khi đơn giản, có khi phức tạp như những điệu múa đánh chiêng, múa giáo khi đâm trâu.

Cũng giống như ở chương 3, các tác giả nêu mối liên hệ giữa dân ca và dân nhạc, thì ở chương 4 lại một lần nữa các tác giả lại tạo mối liên hệ giữa dân nhạc và dân vũ. Theo các tác giả thì: “Âm nhạc của người Tà Ôi, Cơ Tu gắn chặt với múa”, và điều này rất đúng với những gì mà chúng tôi đã từng chứng kiến và đã có nhận xét rằng: “nghệ thuật múa của họ đã phần nào phản ánh cuộc sống, quá trình lao động và chiến đấu của cộng đồng. Mỗi động tác, điệu bộ, hình dáng múa có được đều bắt nguồn từ sự lao động sáng tạo, từ sinh hoạt văn hóa (văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần), chiến đấu của con người. Những chuỗi động tác nhịp nhàng của cơ thể theo tiếng nhạc, trống, cồng chiêng…trong những bộ trang phục truyền thống họ đã góp phần làm cho cuộc sống tinh thần càng thêm sinh động hơn” (3). Và một nội dung không thể thiếu là các tác giả cũng đã nêu được mối quan hệ giữa trang phục và đạo cụ múa, trong trang phục múa người Tà Ôi, Cơ Tu sử dụng 7 loại (âr toong, a păch (târ bọ), âr poong (âm prong), pa hiceny, ân nai ngăh, pa koom, tăng ooh), đạo cụ múa thuộc nhạc cụ có trống, đồng la, chiêng, tù và sừng trâu, kèn sừng trâu, khèn bè, cồng, sáo, đàn Ta lư, sáo tre. Đạo cụ, dụng cụ sinh hoạt, vũ khí gồm rựa, gùi, ống đựng rượu, ống nứa uống rượu, giáo, khiên, gậy chọc lỗ trỉa lúa.

Sau khi kết thúc 4 chương dày dặn, như thể thay đổi thực đơn, các tác giả còn thể hiện phần phụ lục rất công phu với một số hình ảnh minh hoạ các thế múa cơ bản của người Tà Ôi, Cơ Tu do các anh chị ở Đội Thông tin lưu động huyện A Lưới thể hiện đó là: Ta Dưr Tư (Pacô), Aren Đời (Cơ Tu), Pi Kê Dơ (Pacô), A Viet Ple (Tà Ôi) và Đội văn nghệ xã A Roàng trong phần múa có 27 ảnh màu minh họa, phần dân nhạc có 13 ảnh màu minh họa. Và tác giả Vĩnh Phúc đã cho in lại các bài nghiên cứu đã từng công bố trên các tạp chí chuyên ngành như: “Dân ca và nhạc cụ của người Bru-Vân Kiều”, “Khảo sát lễ cầu mùa (aza koonh) của người Tà Ôi” (Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 3 (201), 2001), “Sinh hoạt âm nhạc trong đám cưới của người Tà Ôi” (Tập Nghiên cứu văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế, tháng 12/2000). Phần sau cùng của phụ lục là 27 bản kí âm về dân ca và dân nhạc.

Qua phần điểm sách nói trên chúng tôi có nhận xét một cách chân thành rằng:

+ Các tác giả thật sự dày công trong việc sưu tầm và nghiên cứu dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế một cách có bài bản, nghiêm túc trong khoa học và tôn trọng văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế nói riêng và các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung.

+ Có sự đối sánh với dòng dân ca, dân nhạc, dân vũ không chỉ với các dân tộc cận cư, các dân tộc thiểu số trong nước mà còn có sự liên hệ với bối cảnh Đông Nam Á.

+ Tuy là nhóm tác giả nhưng lại có sự phân công công việc một cách rõ ràng theo chuyên môn và năng lực sở trường của từng thành viên. Cụ thể: Nhạc sĩ Nguyễn Đình Sáng (Chủ biên - Chủ nhiệm đề tài) nói lời mở đầu, Th. S Nguyễn Hữu Thông viết chương 1 (Tổng quan về các dân tộc thiểu số ở tỉnh Thừa Thiên Huế và những đặc trưng văn hóa tộc người), Th. S - Nhạc sĩ Vĩnh Phúc viết chương 2 (Dân ca), chương 3 (Dân nhạc), Biên đạo múa - Nhà giáo ưu tú Cao Chí Hải viết chương 4 (Dân vũ). Sự làm việc khoa học này đã đem đến kết quả cao cho từng chương và cũng thể hiện trách nhiệm của các tác giả.

+ Những hình ảnh minh họa phong phú từ ảnh đen trắng đến ảnh màu với đầy đủ các nhạc cụ và điệu múa một lần nữa chứng minh rằng sự thuyết phục của công trình tập trung vào điểm nhấn đó.

+ Hình thức trình bày đẹp, nội dung chuyển tải đúng hướng và sát hợp với chủ trương của đề tài. Đặc biệt là sự đóng góp công sức của đội ngũ biên tập kĩ thuật và trình bày là Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển.

+ Bên cạnh đó, cần có những bổ khuyết sau:

* Cách dùng từ ngữ đôi lúc bị thừa từ giữa tiếng Việt và tiếng dân tộc. Đã có từ a riêu thì bỏ bớt từ lễ hội để tránh thừa từ, ví dụ như: lễ hội a riêu ping, lễ hội a riêu âr pukh, lễ hội a riêu aza (trang 105, 106).

* Chưa thống nhất việc một số thuật ngữ nên đưa tiếng dân tộc để mang tính thuyết phục cao, ví dụ: tục cưới (tảrqlêq), tục tang (xi xietq) (trang 104), rựa (a cổ), gùi (a te), ống đựng rượu (ângko abung), ống nứa uống rượu (tooq), giáo (coss arăm), khiên (khêl), gậy chọc lỗ trỉa lúa (a pật/alao) (trang 122).

* Dẫu biết rằng hiện nay các nhà ngôn ngữ học và dân tộc học chưa thống nhất tên gọi, phát âm, phiên âm nghĩa là chưa chuẩn từ tên gọi các dân tộc Tà Ôi, Pacô, Cơ Tu cho nên có rất nhiều cách ghi khác nhau: Tà Ôi, Ta - ôi, Tà Ôi, Taoi, Ta ôih, Cơ Tu, Cơ Tu, Cơ tu, Katu, Ka tu, Ktu, Pa cô, Pacô, Pa Cô, Pa Kô, Pa kô. Vậy nên ngay đầu sách nên chua thêm rằng: “Tên của các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế có sự không thống nhất khi ghi bằng chữ viết giữa các tài liệu và các tác giả nên chăng tên dân tộc sử dụng trong sách mang tính tôn trọng lối thể hiện của các tác giả”. Có như vậy người đọc sẽ yên tâm hơn.

* Với tập sách hay về mặt chữ và hình ảnh nhưng nếu kèm thêm đĩa VCD ghi âm về lời ca, trình diễn nhạc cụ và múa thì sẽ trở thành công cụ hỗ trợ cho nhau và dễ dàng hơn cho những ai muốn thưởng thức các loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

* Ngoài 64 mục tài liệu tham khảo, nếu các tác giả soạn ở phần phụ lục thêm “Thư mục dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế” thì càng tuyệt vời hơn.

Điều muốn nói cuối cùng là xin được nhắc lại ý nghĩa của công việc sưu tầm dân ca, dân nhạc, dân vũ ở Thừa Thiên Huế mà chúng tôi đã đọc qua khi các đơn vị đăng kí đấu thầu đề tài rằng: “Vùng núi Thừa Thiên Huế, nơi cư trú chủ yếu của người Cơ Tu, Tà Ôi, Bru - Vân Kiều cũng đang hàng ngày hàng giờ tiếp cận với lối sống mới - lối sống hiện đại, lối sống của cơ chế thị trường. Bởi vậy nhiều giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế đang có nguy cơ suy thoái. Một trong những giá trị văn hóa đang đứng trước nguy cơ suy thoái là kho tàng dân ca - dân nhạc - dân vũ của người Cơ Tu, Tà Ôi, Bru - Vân Kiều. Vì vậy, nghiên cứu nhằm bảo tồn kho tàng dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế là một việc làm vô cùng cần thiết, nhất là khi các yếu tố đô thị, lối sống hiện đại đang ngày càng lan tràn vào đời sống cư dân của làng đồng bào các dân tộc thiểu số thì việc làm đó lại càng cấp thiết hơn” (4)

 Dù ai làm đi chăng nữa mỗi khi đã có sản phẩm rồi chúng tôi đều tôn trọng. Và đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế là chủ nhân và chủ thể văn hóa nơi đây rất chân thành cảm ơn và cảm kích các tác giả và những người làm công tác văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc đã làm sống dậy các loại hình diễn xướng vốn đã có từ lâu trong đời sống tinh thần của họ.

Cuốn sách Dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế rất đáng đọc. Xin giới thiệu với các độc giả, các nhà nghiên cứu, sinh viên và đặc biệt ưu ái dành tặng đồng bào các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế thân yêu. Còn nhiều việc phải làm ở phía trước, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế đang đặt ra cấp thiết, hy vọng rằng bằng các giải pháp bảo tồn và phát huy trên, cùng những thực trạng đã nêu rõ, những thuận lợi đã có, có thể giúp đồng bào nơi đây nhận thức được giá trị của những yếu tố văn hóa của dân tộc mình và có ý thức tìm về cội nguồn để họ sẵn sàng tự tin bước vào một thời đại mới khi tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

1: Xem thêm: Trần Nguyễn Khánh Phong: Vài nét về dân ca, dân nhạc, dân vũ của người Tà Ôi. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2(45). 2004.

2: Trần Hoàng: Đôi nét về ca múa nhạc của người Tà Ôi, Tập san Giáo dục - Đào tạo, Sở Giáo dục - Đào tạo Thừa Thiên Huế, tháng 9. 2002, trang. 71.

3: Trần Nguyễn Khánh Phong: Về việc phát huy các điệu múa dân gian của người Tà Ôi. Thông báo Văn hóa 2009, Viện Nghiên cứu văn hóa, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2010.

4: Trường Đại học Khoa học Huế, khoa Sử, Bản thuyết minh đề tài: “Sưu tầm dân ca - dân nhạc - dân vũ các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế” (Đề cương nghiên cứu khoa học cấp tỉnh năm 2003 - 2004), Huế, 2003, tr 1 - 2.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển

 

Địa chỉ website: http://www.nhaccotruyen.freetzi.com/Taoikotu

 

Phản biện nghiệm thu cấp cơ sỏ 2005

BẢN NHẬN XÉT KẾT QUẢ CÔNG TRÌNH

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP TỈNH

Tên tổng thể công trình nghiên cứu:

Sưu tầm Dân ca - Dân nhạc - Dân vũ  của các dân tộc ít người  TT - Huế.

Cơ quan chủ trì: Trường VHNT  TT - Huế thuộc Sở VHTT TT - Huế.

Tên đề tài nghiên cứu được phân công:

Dân ca - Dân nhạc của các dân tộc ít người  TT - Huế

Chủ nhiệm đề tài : Thạc sĩ Bùi Ngọc Phúc.         

Người phản biện:           Thạc sĩ Thân Trọng Bình.

Đơn vị công tác:            Trường Đại học Nghệ thuật Huế.

                                    I. NHẬN XÉT CHUNG.

Đề tài Dân ca - Dân nhạc của các dân tộc ít người  TT - Huế của Thạc sĩ Bùi Ngọc Phúc dù chỉ là một phần trong tổng thể công trình nghiên cứu Sưu tầm Dân ca - Dân nhạc - Dân vũ của các dân tộc ít người  TT - Huế, nhưng đề tài đã có độ dài tới 135 trang, có thể xem đây là một công trình nghiên cứu khoa học độc lập, thuộc lĩnh vực âm nhạc dân gian.

 Đề tài được kết cấu thống nhất gồm 3 phần chính, trong đó: phần thứ nhất Tổng quan về âm nhạc dân gian các dân tộc ít người Thừa Thiên - Huế dài 11 trang (từ trang 9 - 19), phần thứ hai Dân ca - Dân nhạc của người Tà Ôi, Cơ Tu, có độ dài 49 trang (từ trang 20 - 68), phần thứ ba Một số đặc điểm về âm nhạc dài 25 trang (từ trang 69 - 94). Số trang còn lại (50 trang) dành làm phần mở đầu, phần kết luận, phần phụ lục và tài liệu tham khảo.

Đề tài có bố cục chặt chẽ, phương pháp tiếp cận khoa học, kết hợp với nhận thức luận thực tiễn từ nhiều chuyến đi thâm nhập thực tế, sưu tầm, ghi âm, phỏng vấn, trao đổi, tra cứu tư liệu, thống kê, so sánh, phân tích và nhận định...

Tác giả đề tài đã đặt vấn đề và giải quyết vấn đề theo trình tự từ khái quát đến cụ thể, từ tổng thể đến chi tiết và tiêu chí chủ đạo của việc tiếp cận đối tượng nghiên cứu, theo tác giả là bắt nguồn từ các lĩnh vực lịch sử, dân tộc học, âm nhạc học, múa và các lĩnh vực liên quan khác như tập tục, nghi thức tín ngưỡng, tôn giáo..., kể cả các lĩnh vực địa hình học (tức môi trường tồn tại của tộc người sản sinh ra âm nhạc dân gian). Có thể nói rằng, tác giả đề tài đã đặt đối tượng nghiên cứu (tức Dân ca - Dân nhạc của người Tà Ôi, Cơ tu ở TT - Huế ) trong một tổng thể nguyên hợp không thể tách rời.

            Tác giả đã tham khảo một số tài liệu chính, có liên quan đến nội dung đề tài nghiên cứu như: Các dân tộc ít người ở Bình Trị Thiên - Nguyễn Quốc Lộc (chủ biên) - NXB Thuận Hóa 1984, Nhạc cụ dân tộc thiểu số Việt Nam - Tô Ngọc Thanh - NXB Văn nghệ, Trung tâm VH dân tộc TP.HCM 1995, Âm nhạc Đông Nam Á - Trần Văn Khê - Viện Âm nhạc 1998, Âm nhạc trong lễ hội cầu mùa của người Tà Ôi ở TT - Huế  - Dương Bích Hà - VHNT 8/2000, Dư âm tình rừng - Minh Phương - NXB Thuận Hóa 2000... Cùng với những hiểu biết và trải nghiệm từ thực tiễn sáng tác, giảng dạy, nghiên cứu khoa học của bản thân tác giả tại Trường ĐHNT Huế, Sở VHTT TT - Huế, Viện Âm nhạc Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua.

            Có thể nói rằng: ngoài việc vận dụng những tư liệu, tài liệu có liên quan nói trên thì phương pháp tiếp cận của tác giả đối với đối tượng nghiên cứu (tức Dân ca - Dân nhạc của người Tà Ôi, Cơ Tu ở TT - Huế) đã được tác giả khảo sát, nhận định dựa trên cơ sở thực tiễn có tính thuyết phục cao, đó là các cơ sở chủ yếu sau đây:

            +Thứ nhất: Về khảo sát các bài bản dân ca, dân nhạc.

-Tác giả đã khai thác các thể lọai, bài bản dân ca, dân nhạc từ diễn xướng trực tiếp của các nghệ nhân dân gian.

-Tác giả đã ký âm các thể lọai, bài bản dân ca, dân nhạc để phân tích, so sánh, nhận định về nét tương đồng và dị biệt của các bài bản và thể lọai âm nhạc của các tộc ít người TT - Huế.

-Tác giả đã thu âm các thể lọai, bài bản dân ca, dân nhạc từ môi trường diễn xướng nguyên thủy để so sánh, đối chiếu với các băng từ tư liệu bảo tồn, bảo tàng.

+Thứ hai: Về khảo sát các lọai nhạc cụ.

-Tác giả đã khảo sát thực tế môi trường tồn tại và môi trường diễn xướng để kiểm chứng các lọai nhạc cụ (về hình dạng, kích thước, chất liệu chế tác, cách thức diễn tấu, nghi thức diễn tấu...) từ các nguồn tư liệu trước đây nhằm bổ sung, hòan chỉnh cái vốn có, đích thực của hệ thống các chủng họ nhạc khí của các tộc ít người ở TT - Huế.

            Trên cơ sở giải quyết tốt các mối quan về nhân chủng, đặc điểm tương đồng và dị biệt của các tộc ít người ở TT - Huế, về văn hóa, phong tục, tính ngưỡng và điều kiện canh tác của họ, tác giả đề tài đã lần lượt giới thiệu, phân tích, so sánh từng thể loại dân ca và dân nhạc, tính đa dạng, phong phú về hình thức và nội dung của từng thể lọai, kèm theo các thí dụ, minh họa có chọn lọc, giúp các đối tượng quan tâm có thể nắm bắt được mục tiêu nghiên cứu của tác giả và ý nghĩa của công trình nghiên cứu này.

II.tiêu chí đánh giá khoa hỌc.

            Nhận xét nội dung đề tài theo từng tiêu chí đánh giá khoa học, chúng tôi xin nêu những ý kiến sau đây:

            1.Về mục tiêu đề tài:

            - Đề tài đã hệ thống hóa được một lượng kiến thức khoa học đáng kể về lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc dân gian. Đặc biệt là âm nhạc dân gian của các tộc ít người Việt Nam nói chung và các tộc ít người TT - Huế nói riêng.

            - Đề tài đã hệ thống hóa được một khối lượng bài bản, thể lọai dân ca, dân nhạc và các nhạc khí độc đáo của hai tộc người Tà Ôi và Cơ Tu, là hai tộc người hiện có số cư dân lớn nhất và có sinh họat văn hóa dân gian tập trung nhất, tiêu biểu cho các tộc ít người ở TT - Huế.

            - Đề tài đã nêu dẫn, so sánh, phân tích trên giác độ dân tộc nhạc học và bước đầu định ra được các tiêu chí phân lọai, xếp lọai dân ca, dân nhạc, đặc trưng khu biệt của thang âm điệu thức âm nhạc dân gian miền núi và những đặc điểm tương đồng, dị biệt giữa âm nhạc dân gian các tộc ít người với âm nhạc dân gian người Kinh, tạo tiền đề thuận lợi và sự kế thừa cho các công trình nghiên cứu mới về âm nhạc dân gian của các tộc ít người sau này.

            2.Về hình thức, tư liệu và phương pháp nghiên cứu:

            Đề tài được tiến hành theo phương pháp khảo sát, kết hợp giữa ghi chép điền dã với so sánh tư liệu bảo tàng. Kết hợp giữa nêu và dẫn vấn đề. Việc nêu dẫn và kiến giải các vấn đề, các phần, các tiểu mục của đề tài đều dựa trên cơ sở phân tich, so sánh để rút ra khái niệm, nhận định. Ngôn ngữ đề tài mang tính khoa học, súc tích. Nguồn tư liệu nghiên cứu phong phú, đa dạng, hình ảnh minh họa sinh động, hài hòa. Có thể nói rằng đây là công trình đã được tác giả và nhóm cộng tác tiến hành nghiên cứu và hòan chỉnh khá công phu.

            3.Về nội dung và kết quả nghiên cứu:

            Nội dung đề tài đã thống nhất được với mục đích, yêu cầu, giúp cho các đối tượng quan tâm hiểu rõ hơn bản chất, tính đặc thù và các tiêu chí cơ bản để nhận thức đúng đắn sự tồn tại và ý nghĩa của các lọai hình dân ca, dân nhạc của tộc người Tà Ôi, Cơ Tu và các tộc ít người ở TT - Huế. Kết quả của công trình nghiên cứu (gồm một cuốn sách và một đĩa CD trình bày theo hình thức Website) là tài liệu quý hiếm, góp phần cung cấp thông tin khoa học và những hiểu biết về sinh hoạt âm nhạc của các tộc ít người ở miền Tây TT - Huế, hiện đang có nguy cơ bị vùi lấp, quên lãng theo thời gian.

            4.Những đề xuất của phản biện:

            -Bố cục đề tài có thể xây dựng theo từng chương, mục và tiểu mục, (thay cho bố cục 3 phần) sẽ phù hợp với quy mô và bản chất của đối tượng nghiên cứu.

-Nội dung đề tài cần được làm rõ hơn vấn đề: Tộc người Tà Ôi, Cơ Tu cho dù có cư dân nhiều hơn, có sinh họat văn hóa âm nhạc tập trung hơn liệu có phải đã tập trung tòan bộ các đặc trưng cơ bản của âm nhạc dân gian các tộc ít người TT - Huế?. (Phần 1).

            -Việc phân chia âm nhạc dân gian người Tà Ôi, Cơ Tu thành hai bộ phận Dân ca và Dân nhạc để khảo sát vừa có thuận lợi vừa có hạn chế vì khó làm rõ được mối quan hệ giữa Ca và Nhạc. Trong khi mối quan hệ này gần như là bản chất truyền thống của âm nhạc dân gian Việt Nam, nghĩa là nhạc đàn người Việt sinh ra chủ yếu là để diễn tấu cùng với nhạc hát, chứ không hình thành lĩnh vực khí nhạc độc lập như âm nhạc người phương Tây. (Phần 2).

            -Tiêu đề của phần thứ ba nên ghi rõ là Một số đặc điểm về âm nhạc dân gian của người Tà Ôi, Cơ Tu thay vì chỉ nêu vắn tắt Một số đặc điểm về âm nhạc. Đồng thời, đây cũng là một phần quan trọng của công trình, giá như quy mô của nó (25 trang) tương đương với phần thứ hai (49 trang) sẽ thỏa đáng hơn. (Phần 3).

            5.Đánh giá của phản biện:

            -Tính cấp thiết và ý nghĩa thực tiễn:

Đề tài nghiên cứu Dân ca - Dân nhạc của người Tà Ôi, Cơ Tu ở TT - Huế  của Thạc sĩ Bùi Ngọc Phúc là một công trình nghiên cứu có tính cấp thiết trong bối cảnh nền âm nhạc dân gian Việt Nam đang phải đối đầu với nhiều trào lưu âm nhạc mới trong cơ chế thị trường mở cửa hiện nay. Đặc biệt là âm nhạc dân gian của một số tộc ít người miền Trung, do điều kiện và quy mô nghiên cứu chưa được quan tâm đúng mức, nên rất dễ rơi vào tình trạng chưa kịp tái tạo lại diện mạo đã bị biến dạng, thất truyền. Ý nghĩa thiết thực của đề tài là góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc, nhất quán với tinh thần chỉ đạo của nghị quyết TW Đảng 5 (khoá 8) là xây dựng nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

            -Tính khoa học:

Đề tài thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản, thiên về hướng khảo sát điền dã, nên các vấn đề đặt ra để giải quyết bao hàm những lập luận biện chứng được quy chiếu trên nhiều lĩnh vực, nhiều góc độ khác nhau. Đặc biệt, việc đặt vấn đề về cao độ các âm trong thang âm người Tà Ôi, Cơ Tu nói riêng và các tộc ít người TT - Huế nói chung rất đáng chú ý, nó phản ánh được nét đặc thù và bản sắc riêng, gắn liền với ngôn ngữ, giọng nói và đó cũng chính là cội nguồn khẳng định sự trường tồn của các tộc người. Những tri thức nhân dân (folklore) được tác giả đúc rút trong đề tài sẽ là những tri thức khoa học đáng trân trọng, góp phần vào công cuộc sưu tầm, nghiên cứu để chấn hưng nền âm nhạc dân tộc Việt Nam.

            -Khả năng ứng dụng vào thực tiễn:  

            Ấn phẩm của đề tài gồm một cuốn sách với độ dày phù hợp với quy mô về nội dung, kèm theo một đĩa CD được trình bày theo hình thức Website, thuận tiện cho các đối tượng quan tâm tra cứu, tham khảo. Đề tài có thể được bổ sung vào giáo khoa âm nhạc dân gian Việt Nam, dùng để nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn, giảng dạy và học tập tại các cơ sở đào tạo và biểu diễn âm nhạc ở TT - Huế nói riêng và cả nước nói chung. Đề tài cũng là một cơ sở khoa học đáng tin cậy để các đồng nghiệp có thể phát huy từ nhiều góc độ khác nhau trong quá trình nghiên cứu âm nhạc dân gian, đặc biệt là âm nhạc dân gian của các tộc ít người.

            -Hiệu quả kinh tế, giáo dục:

            Đề tài có hiệu quả về lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục truyền thống âm nhạc dân tộc, một lĩnh vực thu hút sự quan tâm chú ý không chỉ trong nước mà của cả khu vực và quốc tế. Vì vậy, đối tượng sử dụng sẽ rất phong phú, giới hạn sử dụng sẽ rất linh họat. Ngòai hiệu quả giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc thì giá trị nhân văn, nhân bản của đề tài chính là sự khẳng định rằng: “Sự tồn tại của một quốc gia, dân tộc không phải bằng trình độ sống, phương tiện sống mà chính bằng nền văn hóa của chính quốc gia, dân tộc đó.”

            Nhìn chung: Với cách đặt vấn đề và phương pháp tiếp cận khoa học và thực tiễn, khác với lối tiếp cận kiểu “tầm chương, trích cú” như thường thấy ở một số công trình nghiên cứu khoa học trước đây. Có thể nói rằng: công trình nghiên cứu Dân ca - Dân nhạc của người Tà Ôi, Cơ Tu  ở TT - Huế  của Thạc sĩ Bùi Ngọc Phúc, đã gây được sự quan tâm, chú ý đặc biệt và đem đến cho người đọc một cảm nhận theo chiều hướng gợi mở. Và ý nghĩa sâu sắc của nó, trong chừng mực nhất định, không chỉ còn nằm trong giới hạn của một công trình nghiên cứu khoa học cơ bản, nó cần được tiếp tục khai thác theo hướng tổng thể và tòan diện, nhằm góp phần tái tạo và hoàn chỉnh diện mạo đích thực của nền âm nhạc dân gian các tộc ít người Việt Nam nói chung và các tộc ít người TT - Huế nói riêng.

Trên cơ sở các tiêu chí đánh giá khoa học, chúng tôi xin xếp lọai đề tài: Loại Tốt.

Trân trọng ý kiến trao đổi của quý thành viên hội đồng.

            Xin cảm ơn!

                                                            Huế, ngày  28  tháng  12 năm 2005

                                                                     Người phản biện

                                                                   Th.sĩ Thân Trọng Bình

 

  SÁCH NGHIÊN CỨU VÀ GIÁO TRÌNH ĐÃ XUẤT BẢN
 

DANH SÁCH CÁC BÀI NGHIÊN CỨU

  Nhạc cụ họ Hơi của người Cơ Tu, Tà Ôi - Pako

  Sự kế thừa và phát triển của Nhã nhạc triều Nguyễn

  Nhạc cụ trong Nhã nhạc triều Nguyễn

  Ca Huế, qua báo chí nửa sau TK XX

  Đại triều nhạc và Thường triều nhạc

  Giao nhạc, nhạc dùng trong lễ Tế giao

  Dân ca Bình Trị Thiên qua báo chí nửa sau TK XX

  Phục hồi ban Nữ nhạc, một biện pháp để bảo tồn...

  Hát Ả Đào qua báo chí nửa sau TK XX

  Khảo sát lễ Azakonh (lễ cầu mùa lớn) của người Tà Ôi - Pako

  Mối tương quan giữa yếu tố dân gian và bác học trong thể Lý Huế

  Mối tương quan giữa âm nhạc cung đình Huế và ca nhạc thính phòng

  Dân ca Thanh Nghệ Tĩnh qua báo chí nửa sau TK XX

  Tham luận Hội thảo quốc tế về Cồng Chiêng...

  Dân ca Nam Bộ qua báo chí nửa sau TK XX

  Nhạc chương - một thể loại quan trọng của Nhã nhạc

  Cảm nghĩ qua bài hát Tiếng đàn Ta Lư
  Quan họ qua báo chí nửa sau thế kỷ XX
  Một số vấn đề về phương pháp nghiên cứu, phê bình dân ca VN qua báo chí hậu bán TK XX
  Thang âm trong âm nhạc tộc người Tà Ôi - Pa Kô, Kơ Tu
  Tổng quan về sự phát triển âm nhạc Huế
 

vinhphucnetAudio

vinhphucnet VideoClip

 

Đầu trang


 

 

 

© vinhphuc.orgfree.com

 - Email: vinphuc@gmail.com - Đăng nhập - Design by vinhphucnet

 

 

Free Web Hosting