Trong một buổi xem ti-vi, tôi thấy một
diễn viên hài của một đoàn cải lương nào đó ở Sài Gòn đang cố trổ
tài “cương” trong một lớp diễn để cù khán giả. Bổng anh ta cất cái
giọng nghèn nghẹt rất ư là Pê đê, hát lên một đoạn trong bài hát
“Tiếng đàn Talư”. Mọi người cười thích thú. Tôi cũng hay cười, nhưng
chưa kịp cười, vì giai điệu của bài hát mới, đã cũ làm tôi mãi nghĩ
đến chuyện khác.
Những địa danh Tà Cơn, Khe Sanh, Gio
An, đồi Động Tri nhắc cho tôi nhớ rằng, bài hát này ra đời trên quê
hương Quảng Trị, của nhạc sĩ Huy Thục viết cách đây đã 30 năm.
Thời gian qua nhanh quá! Giai điệu sôi
nổi, tươi vui của bài hát được nghe lại hôm nay, dù với tính chất
hài hước của giọng ca, nhưng tôi vẫn cảm thấy tươi mới. Tưởng chừng
đâu đây thôi, âm vang rộn rã ấy vọng ra từ làn sóng đài TNVN, trong
đêm diễn phục vụ chiến trường của các đoàn văn công, các đội tuyên
truyền xung kích, hay các đội văn nghệ cơ sở của tỉnh nhà trong
những mùa hội diễn. Một thời là bài hát cửa miệng của mọi người… Cây
đàn Ta Lư mà trước đây ít người biết đến, cũng hình ảnh cô gái dân
tộc Vân Kiều của núi rừng Quảng Trị bỗng chốc, qua bài hát, mà trở
trành biểu tượng đẹp, thân yêu trong cả nước.
Nhạc sĩ Huy Thục sáng tác bài hát
“Tiếng đàn Ta lư” vào năm 1968, lúc anh đang chiến đấu, công tác ở
mặt trận phía tây Quảng Trị, cùng lúc với các bài hát khác của anh
cũng được rất nhiều người biết đến như: “Ơi dòng suối La La”, “Chiến
thắng Làng Vây” và sau này là “Đêm Quảng Trị” phổ thơ Vũ Ngàn Chi
(1973). Nhưng “Tiếng đàn Ta Lư” có một sức sống riêng. Đặc biệt, sau
ngày giải phóng (1975) nó càng được bay xa. Công chúng yêu âm nhạc ở
vùng mới giải phóng từng một thời hát tình ca buồn và nhạc trẻ, đã
đón nhận nó với sự nhiệt tình, nồng hậu.
“Đi chiến trường gùi trên vai nặng
trĩu. Đàn Ta Lư em cất tiếng ca vang cùng núi rừng, mừng thắng trận
quê em”…
Sở dĩ bài hát được phổ cập một cách
rộng rãi như thế vì nó phù hợp với tâm tư, tình cảm và thị hiếu thẩm
mỹ của quần chúng trong một giai đoạn, một hoàn cảnh nhất định. Tác
giả đã thực sự lăn lộn với thực tế, biết chắt lọc, khai thác đề tài
trong hiện thực ngồn ngộn của cuộc sống chiến đấu của quần chúng,
thể hiện nó dưới một hình thức đơn giản, dễ hiểu, kết hợp được yếu
tố dân gian và hiện đại trong ngôn ngữ âm nhạc. Phải thừa nhận rằng
sáng tác một ca khúc mang âm hưởng dân ca của một vùng, trong thời
điểm năm 1968, mà thành công như bài “Tiếng đàn Ta Lư” không phải
lúc nào và ai cũng có thể làm được.
Bài hát được sử dụng nhạc ngữ dân tộc:
giai điệu hình thành trên thang âm ngũ cung. Màu sắc dân ca dân tộc
miền núi Trị-Thiên được nhấn mạnh bằng các quảng hai trưởng, phù hợp
với thanh điệu giọng nói “lơ lớ” không dấu của người Vân Kiều:
“Gùi trên vai nặng trĩu”…”Đồn Tà Cơn hôm nào bốc cháy”. Ngoài ra
còn cố ý “gia” thêm chất liệu Tây Nguyên một cách hợp lý với yếu tố
nửa cung đặc trưng trong đường nét giai điệu…
Cấu trúc hình thức bài hát không lệ
thuộc các thể thức âm nhạc bác học Tây phương, mà được bố cục theo
các giai đoạn của nội dung, tình cảm. Song nhìn chung vẫn hình thành
hai đoạn nhạc chính. Đoạn I gồm 2 vế nhạc cân đối. Giai điệu nhẹ
nhàng, tha thiết nhưng vui tươi, lạc quan như tiếng ca và tiếng đàn
Ta Lư của cô gái Vân Kiều trên đường đi phục vụ chiến trường. Gùi
trĩu nặng trên vai mà lòng phơi phới hân hoan hát ca mừng tin thắng
trận của quê nhà. Đoạn II cũng gồm 2 vế nhưng được mở rộng gấp đôi
bằng các thủ pháp mô phỏng phát triển, đảo ảnh âm hình…Tính chất âm
nhạc sôi động và náo nức hơn, như niềm vui trào dâng trước thắng lợi
dồn dập của quân giải phóng.
“Tính, tính…tính, tang tang tình…Bộ
đội giải phóng quân ơi! Anh thắng trận miền tây Khe Sanh, đồn Tà Cơn
hôm nào bốc cháy, đồi Đồng Tri xác Mỹ chất đầy. Kia trông”… “Các anh
đánh hay hung!”.
Sau nét nhạc dạo, là một vế nhạc ngắn,
cân đối, rất thiết tha, trải ra và lan xa giữa núi đồi bao la:
“Đàn em reo ca, ôi đàn Ta Lư”…làm cân bằng tốc độ tình cảm dồn
dập của đoạn II.
Sự thống nhất về motif, biểu hiện bằng
sự quán xuyến các nhóm âm hình trong thủ pháp phát triển nhịp nhàng,
sôi động đem lại cho bài hát một màu sắc trẻ trung, hiện đại. Yếu tố
nhất quán tiết tấu đó, tạo ra trong toàn bộ giai điệu dáng dấp của
các tiết điệu Fox, Disco… gần với ngôn ngữ âm nhạc Estrade.
Có thể, trên đây là một trong nhiều
nguyên nhân, khiến cho bài hát “Tiếng đàn Ta Lư” vượt địa giới, đến
với mọi miền đất nước bằng sức sống khá dẻo dai. Hơn hẳn một số bài
hát khác, cùng thời của anh cũng đã sáng tác trên quê hương Quảng
Trị. Mặc dù, bài “Ơi dòng suối La La” cũng là một bài hát tốt. Ở một
khía cạnh nào đó, còn trội hơn “Tiếng đàn Ta Lư”. Tuy vậy, sức bền
của nó trong lòng công chúng mới là thước đo về nghệ thuật. Chúng ta
phải thấy rằng, “Tiếng đàn Ta Lư”, hay tất cả các bài hát khác trước
đây, tác giả viết ra nhằm phục vụ cho một giai đoạn cách mạng của
đất nước - một chiến dịch, một phong trào. Mục đích cao nhất bây giờ,
là động viên tinh thần hăng hái chiến đấu sản xuất của quần chúng,
hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bởi
thế, dù là một bài thơ, một bài hát đều mang một lợi ích riêng, một
tác dụng, giá trị riêng. Do đó, nó chỉ có sức sống riêng trong thời
kỳ của nó. “Tiếng đàn Ta Lư” hơn hẳn các bài hát cùng thời của Huy
Thục ở điểm đó. Nó đã sống lâu hơn “Đêm Quảng Trị”, “Chiến thắng
Làng Vây”…
Giờ đây, tất cả đều đã đi qua! Lịch sử
đã sang trang, thời đại đã đổi mới! Âm vang một thời hào hùng lắng
sâu vào truyền thống, làm dày thêm truyền thống của quê hương, dân
tộc. “Tiếng đàn Ta Lư” cùng vô số “bạn bè” nó, của một thời văn hóa
đã đi vào quên lãng, trong một ý nghĩa nào đó! Như bà mẹ đã dần
nguôi ngoai niềm thương đau về những đứa con mà bây giờ, chỉ còn lại
mộ bia nơi nghĩa trang liệt sĩ, bốn mùa lá hát, chim ca…
Tình cờ, nghe lại bài hát. Những địa
danh quen thuộc của quê nhà lại vang lên, trong lòng tôi bộn bề
những cảm xúc. “Tiếng đàn Ta Lư” ghi lại rất rõ nét một giai đoạn
lịch sử cụ thể, thể hiện lên tình yêu khát vọng của nhân dân Quảng
Trị trong sự nghiệp giải phóng quê hương đất nước. “Tiếng đàn Ta Lư”
có thể sẽ không tồn tại trong sinh hoạt âm nhạc đương đại, cũng chỉ
là một quy luật tất yếu. Tổ quốc đã vĩnh viễn Độc lập - Tự do. Việt
Nam đang hòa vào thế giới, vươn đến đỉnh cao của văn minh, tiến bộ.
Cuộc đời đã đổi khác. Những diễn biến trong sâu thẳm tâm hồn của con
người cũng khác, phong phú và phức tạp hơn! Nghệ thuật trở lại với
bản chất của nó, tiếp nhận thêm yếu tố khác - yếu tố cá thể được
thực hiện sứ mệnh của nó đối với con người, cuộc đời. Hẳn vì thế mà
nhạc sĩ Huy Thục, người đã trải qua hai cuộc kháng chiến, trên đầu
đã hai màu tóc, mà giờ đây, lại phải ngẩn ngơ “Đứng trên cầu đợi
em”(*).
Huế -1998
Vĩnh
Phúc
(*) Lời một bài hát của nhạc sĩ Huy
Thục sang tác sau này.
* Nơi công bố:
- Tạp
chí CỬA VIỆT số năm 1999
|